Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu

100 ngày giải cứu sàn HOSE: Bệ phóng cho chứng khoán VIệt chinh phục những kỷ lục mới

    Cuối quý 4/2020, hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh, treo lệnh, bảng lệnh hiển thị sai khiến nhà đầu tư không nắm rõ được cung cầu, không thể mua bán được tại nhiều thời điểm. Sự cố kéo dài suốt 6 tháng đầu năm 2021 gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao dịch của nhà đầu tư. Thanh khoản của HoSE thường xuyên duy trì ở khoảng 15.000 – 16.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư chỉ thực hiện được giao dịch trong buổi sáng, vì chỉ khoảng 14 giờ chiều là hệ thống quá tải, không nhận lệnh. Cá biệt nhiều phiên có biến động lớn, hệ thống giao dịch của HOSE đơn nghẽn ngay từ đầu phiên. 

Nguyên nhân khiến HOSE bị tắc nghẽn là do lượng gia nhập thị trường ồ ạt từ nhóm các nhà đầu tư mới đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt, bình quân 100.000 tài khoản mở mới/tháng, trong khi năng lực xử lý của HOSE lúc đó chỉ ở 900.000 lệnh/phiên.

Tình trạng nghẽn lệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, quyền lợi của nhà đầu tư mà còn là đòn giáng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

Đầu tháng 3/2021,Thủ tướng Chính phủ có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045”. Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình và nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO và Hãng hàng không Vietjet đã đề xuất để doanh nghiệp tư nhân tài trợ kinh phí và tham gia xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE. 

Chứng khoán Việt Nam 2021: Năm của nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu - Ảnh 1.